TÌM HIỂU CÁC VẤN ĐỀ XOAY QUANH VI BẰNG MÀ BẠN CẦN BIẾT

Có thể bạn đã từng nghe đến việc Thừa phát lại lập vi bằng. Tuy nhiên, thực tế lập vi bằng là gì, giá trị pháp lý ra sao, có nên mua nhà đất vi bằng không? Xoay quanh vấn đề này vẫn còn rất nhiều thắc mắc mà người dân cần nắm rõ để tránh thiệt hại cho mình. Vì vậy, Kaiser Land sẽ giúp bạn làm rõ các thông tin liên quan đến vấn đề vi bằng trong bài viết này.

1/ Vi bằng là gì?

Vi bằng là cụm từ có thể còn xa lạ với rất nhiều người dân. Do đó, khi tìm hiểu về vấn đề này thì trước hết bạn cần biết vi bằng là gì trước.

cac-van-de-xoay-quanh-vi-bang

Theo Khoản 2, Điều 2, Nghị định 61/2009/NĐ-CP định nghĩa vi bằng thì:

“Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.”

Hoặc trong Nghị định 08/2020/NĐ-CP ở Khoản 3, Điều 2 về việc giải thích từ ngữ thì: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Để hiểu hơn việc lập vi bằng là gì, bạn cũng cần biết về định nghĩa Thừa phát lại. Dựa theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định 08/2020/NĐ-CP có giải thích từ ngữ Thừa phát lại như sau:
“Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;”

Như vậy, dựa vào việc giải thích từ ngữ trên thì bạn đã có thể hiểu vi bằng là gì và có ý nghĩa ra sao.

2/ Giá trị pháp lý của vi bằng

Ngoài định nghĩa vi bằng nghĩa là gì, giá trị pháp lý của vi bằng ra sao cũng là một vấn đề quan trọng mà người dân cần nắm được. Căn cứ theo Khoản 2,3 và 4, Điều 36, Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

cac-van-de-xoay-quanh-vi-bang-1

– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

– Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

3/ Thủ tục lập vi bằng ra sao?

Thủ tục lập vi bằng được diễn ra như thế nào cũng là một thắc mắc phổ biến. Chúng tôi xin hướng dẫn quy trình cho bạn ngay ở phần này:

Bước 1: Khách hàng đến văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu
Bước 2: Thỏa thuận lập vi bằng

cac-van-de-xoay-quanh-vi-bang-2

Căn cứ vào Điều 38, Nghị định 08/2020/NĐ-CP về thỏa thuận lập vi bằng như sau:
“1. Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung vi bằng cần lập;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Chi phí lập vi bằng;

d) Các thỏa thuận khác (nếu có).

2. Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.”

Bước 3: Tiến hành lập vi bằng
Bước 4: Thanh lý thỏa thuận lập vi bằng

Quý khách hàng có thể đọc thêm Điều 39, Nghị định 08/2020/NĐ-CP để biết rõ về thủ tục lập vi bằng được trích dẫn sau đây:

‘Điều 39. Thủ tục lập vi bằng

1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

2. Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

3. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”

4/ Các thắc mắc liên quan khác:

Liên quan đến việc lập vi bằng, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Sau đây, Kaiser Land sẽ giải đáp một số câu hỏi thường thấy nhất xoay quanh vấn đề Thừa phát lại lập vi bằng.

– Mua nhà vi bằng là gì?
Mua nhà đất bằng vi bằng là trường hợp rất phổ biến hiện nay. Tình trạng mua bán nhà vi bằng thường xảy ra ở các trường hợp như sổ đỏ chung, đất chưa có sổ đỏ, sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng,… Nhiều câu hỏi đặt ra rằng việc nhà vi bằng là gì và mua bán nhà đất bằng vi bằng liệu có hợp pháp hay không?

Thật ra, để hiểu được việc giao dịch bất động sản bằng vi bằng liệu có hiệu quả không thì chúng ta cùng xem qua Điều 28, Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại cấp như sau:

1. Vi bằng sẽ có giá trị là chứng cứ để Tòa tiến hành xem xét cũng như giải quyết vụ án.
2. Vi bằng chính là cơ sở dùng trong những hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong giao dịch mua bán nhà đất, việc Thừa phát lại lập vi bằng chỉ ghi nhận việc giao dịch, trao đổi tài chính để làm bằng chứng cho thỏa thuận giao dịch của hai bên. Việc mua nhà bằng vi bằng không có giá trị pháp lý và đây được xem là hành vi lách luật. Nếu xảy ra tranh chấp thì giao dịch vẫn có thể bị tuyên bố vô hiệu.

Mua nhà vi bằng là gì? Chắc hẳn đến đây thì bạn đã có câu trả lời. Vì vậy, lời khuyên của Kaiser Land dành cho quý vị có ý định mua bất động sản cần tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai 2013 về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp trong từng quy trình.

– Trường hợp nào Thừa phát lại không được lập vi bằng?
Có những trường hợp nào mà Thừa phát lại không được phép lập vi bằng? Dựa theo Điều 37, Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thì những trường hợp không được lập vi bằng bao gồm:

1. Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lập vi bằng là gì? Giá trị pháp lý của vi bằng ra sao? Thủ tục lập vi bằng như thế nào? Các thắc mắc trên đều đã được Kaiser Land giải đáp. Mong rằng những thông tin trên thực sự giúp ích cho quý vị đang tìm hiểu về việc Thừa phát lại lập vi bằng.

Bài viết tương tự

0936 792 868

Back To Top